Ngày 29 Tết năm nay may mắn vào cuối tuần nên tiện cho bữa cơm tất niên của mọi gia đình người Việt với bạn bè Việt và Úc. Tết ở xứ này không ồn ào, không rực rỡ đào hoa như ở quê nhà, nhưng vẫn có Tết. Người Việt mình mang Tết theo mọi nơi họ sống.
Tết ở đây không ăn uống ồn ào và chúng tôi tự nấu lấy tất cả các món. Phần lớn chị em khi ở nhà ít phải nấu ăn, hoặc không cần phải biết nấu nhiều vì mọi thứ đã có sẵn ngoài chợ và siêu thị.
Bữa cơm tất niên là nơi mọi người có dịp khoe tài, mang đến góp món “tủ” của mình sau khi đã thỏa thuận cùng chủ nhà từ trước. Tại đây mọi người có cơ hội hỏi thăm, chia sẻ và được cười thoải mái sau những ly rượu vang hay bia thơm.
Ngày Tết Việt Nam năm nay được truyền thông Úc gọi là Lunar New Year, thay vì Chinese New Year như mọi năm. Tôi nhớ năm ngoái đã có cuộc vận động trên mạng của người Việt không công nhận tên gọi Chinese New Year với lý do đó là ngày lễ truyền thống của nhiều nước châu Á khác, trong đó có Việt Nam.
Ngày Tết là ngày lễ gia đình, như ngày lễ Giáng sinh của châu Âu vậy. Dù xa nhà đã lâu, dù bố mẹ tôi đã về nơi chín suối nhưng tôi cũng vẫn luôn có cảm giác nao nao khi Tết về.
Tôi trở về trong ký ức tuổi thơ, khi chúng tôi còn nhỏ, khi bố mẹ bận rộn lo Tết, lo xay thóc giã gạo, lo cắt lá, “đụng” thịt lợn về gói bánh chưng, bó giò, nấu đông. Chị em tôi chỉ lăng xăng chẳng giúp được gì nhiều. Nhưng bao giờ tôi cũng có cái bánh cóc, loại bánh chưng nhỏ bố gói riêng, hay cho chúng tôi tự gói và bỏ phần trên nồi bánh chưng để vớt ra trước cho chị em tranh nhau một chút thơm tho ngon tuyệt của sự chờ mong bánh chín.
Dù xa quê hương, tôi vẫn nhớ mãi hương vị Tết ngày xưa. |
Ngày Tết là ngày hòa thuận. Tôi nhớ ngày xưa, ai nợ nần gì nhau thì cố mà trả trước Tết, chẳng có thì “năm sau lại xui xẻo mắc nợ cả năm”.
Ngày Tết là ngày tha thứ. Ai lại hờn giận nhau ngày Tết. Thế là bố mẹ không thể nặng lời với nhau, con cái không được cãi nhau. Dù có xích mích gì với hàng xóm thì ngày Tết cũng phải bỏ qua mà vui vẻ. Tuy có uống rượu nhưng không được say bét nhè để to tiếng gây bất hòa.
Ngày Tết là ngày sạch sẽ nên trước Tết phải quét dọn nhà cửa xóm ngõ sạch sẽ, không được vứt rác lung tung vì sẽ không được quét nhà ngày đầu năm, bố mẹ dặn dò thế.
Tết thường thì không có cành đào lớn để trưng. Nhà có đào cũng không dám chặt cành to mà để dành cho trái, chỉ cắm cành nhỏ trong bình. Nhà cũng chỉ mua thêm hoa cúc, hoa thược dược hay lay ơn cắm bàn thờ.
Mùng 2, tôi theo các chị đi Tết các cô chú cậu mợ. Bố mẹ tôi là lớn nhất trong gia đình nên các cậu mợ và cô chú phải cho các em họ tôi đến Tết nhà tôi trước. Mẹ không nhận quà bằng cách nói rằng “bác đã nhận quà của gia đình, bác xin cảm ơn và bây giờ cho các cháu số quà này” và cứ dúi vào túi của mọi người.
Bà luôn cho là nhà tôi khấm khá hơn, không bị đói vì vậy không thể nhận quà của các cậu mợ còn nghèo, và đông các em hơn nhà tôi. Quà Tết của người quê đâu có gì nhiều, chỉ cân đường, hộp sữa, phong bánh...
Bây giờ, dù khao khát về Tết để gặp người thân, tôi vẫn cứ ái ngại cảnh chen chúc mua sắm Tết, thậm chí ít thấy vui khi nhìn hoa và người bán hoa vất vả lay lắt ven đường. Hoa thì nhiều, tưng bừng màu sắc mà ít có cái không khí thanh tao, vui vẻ của hoa.
Tôi ngại cả việc ăn uống triền miên, thừa mứa ngày Tết. Ngại cả khi nhìn đống rác hoa mà các xe thu rác vất vả chở đi. Hoang phí và ồn ào làm tôi mệt mỏi.
Hoa, áo quần đẹp, ăn uống linh đình cũng chỉ là hình thức. Tôi ở xa để nhớ cái hồn của ngày Tết là nụ cười thân thiện, là tình yêu ta cảm nhận khi được có mặt bên người thân của mình. Và nỗi nhớ Tết vẫn không nguôi trong tôi.
>> Xem thêm: Tôi nợ ba mẹ một cái tết đoàn viên
Nguyễn Thị Nhuận
Tết có thực sự là những ngày đoàn viên? Thời gian Tết ở bên gia đình chẳng được bao nhiêu, đó là tôi còn phải tránh những hội bạn chơi không thân lắm, cắt bớt những buổi nhậu không cần thiết... |
Chia sẻ bài viết của bạn về Tếttại đây.