Thu nhập thấp, mua xe giá cao
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, năm 2013, Việt Nam có mức thu nhập bình quân đầu người đạt 1.960 USD/người/năm. Ở Mỹ chỉ số này là 50.708 USD, cao hơn 26 lần Việt Nam. Chỉ số chênh lệch là vậy, nhưng khổ nỗi, một người dân ở một nước đang phát triển như ở Việt Nam lại phải mua xe ôtô với số tiền cao gấp 2,5 lần so với một người dân ở nước đang nằm trong Top 5 quốc gia giàu nhất thế giới như Mỹ.
Xe hơi ở Việt Nam đắt gấp 3 đến 5 lần ở Mỹ
Lấy ví dụ về giá của mẫu xe Porsche Cayenne, bản tiêu chuẩn hiện tại chỉ có giá khởi điểm 49.600 USD tại thị trường Mỹ, nhưng ở Việt Nam, người mua phải bỏ ra số tiền 243.000USD (tương đương 5,106 tỷ đồng), cao gần gấp 5 lần tại Mỹ.
Gần gũi hơn, hãy nhìn sang các nước nằm trong khu vực ASEAN là Thái Lan và Indonesia. Tại Indonesia, 5 năm trước, Chính phủ đã lên kế hoạch phát triển xe cỡ nhỏ, giá rẻ. Xe giá rẻ được quy định rõ có giá từ 4.400 USD đến 7.400 USD, tiêu thụ nhiên liệu tối đa 5 lít/100 km. Tỷ lệ nội địa hóa bắt buộc là 60%. Mục tiêu của Indonesia là để người dân có mức thu nhập từ trung bình có cơ hội sở hữu xe hơi, đồng thời tăng sản lượng, phát triển công nghiệp ôtô.
Kết quả là đến nay, một loạt các mẫu xe giá rẻ đã ra đời đáp ứng nhu cầu của người dân. Tầng lớp bình dân ở Indonesia giờ có thể dễ dàng mua 1 chiếc xe giá dưới 10.000 USD với động cơ 1.0L như Mitsubishi Mirage, Daihatsu Ayla, Honda Brio Satya... Ở Việt Nam thì không có chuyện đó.
Suzuki Swift lắp ráp tại Việt Nam có giá bán 550 triệu đồng, nhưng tại Thái Lan giá bán ra chỉ có 15.000 USD tức hơn 300 triệu đồng
Tại Thái Lan, chiếc Suzuki Swift lắp ráp tại Việt Nam có giá bán 550 triệu đồng, nhưng tại Thái Lan giá bán ra chỉ có 15.000 USD tức hơn 300 triệu đồng.
Thu nhập bình quân đầu người Thái Lan năm 2013 đạt trên 10.000 USD, còn Indonesia cũng đạt trên 5.000 USD, trong khi Việt Nam chưa nổi 2.000 USD/người/năm. Vậy nhưng giá xe ôtô tại Việt Nam cao hơn 1,5 lần so với 2 nước này.
Qua đó mới thấy, dân Thái Lan, Indonesia có cơ hội tiếp cận với ôtô dễ dàng biết chừng nào, còn với người Việt Nam vẫn chỉ là giấc mơ xa vời.
Hoặc cứ xem như Lào hoặc Campuchia, biết không mơ được chuyện sản xuất xe ôtô nên chính phủ chẳng đánh đồng thuế nào giúp người dân có xe vô cùng rẻ để đi. Sang nước bạn thấy họ còn nghèo, nhưng người dân “cưỡi” bán tải phóng ầm ầm, nghĩ mà thấy thiệt thòi cho mình.
Thiệt đơn, thiệt kép
Không sử dụng ôtô, người dân nghiễm nhiên phải dùng một loại phương tiện rẻ tiền hơn là chiếc xe máy.
Cái thiệt thòi dễ hình dung nhất là phơi mặt dưới mưa, nắng. Ngày nào bất chợt đổ mưa, mình đi xe máy, mặc áo mưa thùng thình, quần áo ướt nhẹp, nước mưa bắn vào mắt mà vuốt không kịp mới thấy giá trị của chiếc ôtô, mới thấy thèm được ngồi trên chiếc xe hơi ấm áp, khô ráo đến nhường nào.
Không sử dụng ôtô, người dân nghiễm nhiên phải dùng một loại phương tiện rẻ tiền hơn là chiếc xe máy
Phần đông người Việt không có ôtô vì giá của nó quá cao kèm theo đó là lối sống, tư duy xe máy khiến đô thì trở nên nhếch nhác, nỗ lực thế nào cũng không thay đổi được. Hãy thử nghĩ, với người đi xe máy thì bán kính sinh hoạt sẽ giới hạn trong vòng 10km và tư duy đi ngang về tắt, luồn lách, tiện dụng sẽ kéo theo mô hình thương mại sát vỉa hè để phục vụ người đi xe máy.
Trong khi đó thì không gian tư duy của người đi ô tô sẽ là 30km, họ sẵn sàng ở xa chỗ làm hơn 30km mà không hề bận tâm, đô thị vì thế mà sẽ dễ dàng mở rộng, kèm theo đó là tác phong ôtô, không đi ngang về tắt, không luồn lách, chịu gửi xe để đi bộ một quãng xa. Rõ ràng với chiếc ôtô việc tổ chức đô thị sẽ dễ dàng theo chuẩn hiện đại hơn nhiều so với xe máy. Về xây dựng đường sá, chính số lượng ôtô sẽ khiến đầu tư dạng BOT vào cơ sở hạ tầng giao thông trở nên hấp dẫn hơn. Nhà nước sẽ nhẹ gánh hơn nhiều trong việc xây dựng thêm đường giao thông.
Một lối tư duy xe máy sẽ vẫn tồn tại nếu như người dân không sớm được tiếp cận với xe hơi
Không có điều kiện tiếp cận với xe hơi, người Việt còn chịu cái thiệt thòi hơn cả đó là sự an toàn. Nếu nhiều người đi ôtô hơn thì đã không có những cái chết thương tâm hằng ngày vì tai nạn giao thông. Cả nhà 3 người, có khi 4 người trên một chiếc xe máy, ai cũng biết là nguy hiểm nhưng không còn lựa chọn nào khác. Hồi chiến tranh trẻ mồ côi nhiều vì cha mẹ bị súng đạn bom mìn, còn hôm nay thì bao trẻ bị mồ côi vì cha mẹ chúng sáng đi rồi chiều không trở về nữa.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta coi chiếc xe máy là phương tiện nguy hiểm và thiếu an toàn nhất trên đường. Vận tốc có thể đạt ngang ôtô nhưng độ an toàn chỉ tương đương xe đạp. Theo thống kê, số người tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT) ở Việt Nam năm 2012 là 9.820 người, số người bị thương gấp 5 lần số tử vong. Trong đó , hơn 70% là các vụ tai nạn xe máy và liên quan đến xe máy.
Giá như ôtô rẻ hơn. Nhiều người dân sở hữu ôtô hơn thì đâu có chuyện người Việt phải thiệt đủ đường rồi thiệt cả tính mạng mình như thế.