Thời gian gần đây, trên các diễn đàn chuyên về xe đang xôn xao những câu chuyện xung quanh việc bị phân biệt đối xử khi đi xe cà tàng.
Điển hình là câu chuyện của thành viên Girl Biker trên một diễn đàn xe máy về việc đi xe Dream vào quán cà phê thì bị dắt tít vào trong xó, trong khi cũng chàng trai đó, hôm sau chạy xe Attila thì được chễm chệ ngay hàng đầu. Hay một thành viên khác kể lại câu chuyện khi ra Hà Nội mượn chiếc xe cà tàng của bạn đi chơi, vào quán ăn, bảo vệ không thèm dắt xe mà còn hỏi: "Chú vào đây làm gì?".
Những chiếc xe xịn sẽ được chiếm những vị trí đẹp trong bãi giữ xe. Ảnh: Mạnh Tú.
Trên đây chỉ là hai trong số hàng trăm mẩu chuyện xung quanh vị trí chiếc xe máy tại Việt Nam. Những câu chuyện này diễn ra thường ngày, ở bất kỳ đâu.
Trao đổi với phóng viên, chàng trai tên Minh (25 tuổi, ngụ Gò Vấp) kể lại: Cách đây 2 năm, Minh yêu một cô bé học cùng trường nhưng dưới 2 khóa. Quen nhau được một tuần, vì thích tính cách và giọng nói dễ thương của bé nên cậu "chết mê, chết mệt". Cô bé cũng có tình cảm với Minh nên cả 2 hay gọi điện, nhắn tin cho nhau.
Một hôm, cô bé rủ đi chơi với nhóm bạn, Minh sướng run người. "Mình không thể tin được", cậu kể lại. Hôm đó mọi người trong nhà đi vắng hết, Minh có chiếc Nouvo LX nhưng vừa cho cậu bạn mượn hồi chiều, và nhà chỉ còn chiếc Dream tàu cà tàng để trong góc.
Vốn là dân Sài Gòn, không trọng hình thức nên Minh đem chiếc Dream ra lau chùi sơ sơ rồi đến chỗ gặp. "Khi đến, nhìn nét mặt em không vui, mình ngờ ngợ nhận ra khi xung quanh toàn các chàng trai, cô gái ăn mặc sành điệu, chạy Vespa LX, Honda SH hay bèo nhất cũng Air Blade", cậu phân tích.
Rồi cậu thông tin thêm: "Em miễn cưỡng ngồi lên xe của mình nhưng trong lòng không vui. Suốt chặng đường em cũng chẳng nói câu nào". Nhưng mọi chuyện chưa dừng ở đó. Chạy được 2km, chiếc Dream tàu bị bể bánh (thủng săm), hai đứa phải xuống dắt bộ, trong khi bạn bè đã chạy tới quán nhậu ngồi chờ.
Sáng hôm sau, Minh nhận được tin nhắn của cô bạn, nói sắp đi xa, có lẽ không nên gặp nhau nữa. Đọc xong, Minh rất buồn nhưng cũng không muốn níu kéo. "Qua bạn bè, mình biết em vẫn học ở trường. Vừa giận, vừa cảm ơn chiếc Dream, nhờ nó mà mình biết ai thực lòng".
"Thực ra bây giờ, khoảng 4 tháng lương của mình, tiết kiệm một chút là mua được một chiếc SH, nhưng mình vẫn chưa muốn đổi xe. Theo mình, xe máy vẫn chỉ là phương tiện di chuyển mà thôi", Minh nêu quan điểm.
Chiếc xe máy không nói lên con người đó là ai. Ảnh: Kenhmuaban.
Bàn về những câu chuyện thực tế này, anh Thắng, một thành viên trên diễn đàn lý giải: Bên nước ngoài người ta cũng phân chia đẳng cấp theo giá trị chiếc xe hơi thì Việt Nam phân chia theo xe máy cũng là chuyện dễ hiểu. Ở nước ngoài, thủ tục pháp lý để sở hữu xe máy rất khó nên người ta mua xe hơi cho lành. Chẳng hạn ngoài tiền mua xe còn phải tiền bảo hiểm. Đường sá toàn xe hơi nên dễ bị tai nạn. Chính vì thế xe máy ở một số nước phát triển là dành cho những ai đam mê, nhưng ở Việt Nam không chạy xe máy thì chạy bằng gì?
"Chính vì đa số mọi người chạy xe máy nên những chiếc xe đẹp sẽ được coi trọng hơn là hoàn toàn hợp lý”, anh Thắng kết luận.
Chú Tâm (đang sống ở quận 8, TP.HCM), một người đã từng chạy qua rất nhiều dòng xe, cho rằng: Sở dĩ người Việt trọng xe máy là bởi tư duy của một nước nông nghiệp. Các cụ xưa có câu: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, con trâu là tài sản lớn nhất, cũng trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất nuôi sống cả gia đình nên được coi là đầu cơ nghiệp. Tương tự như con trâu, chiếc xe máy đối với người Việt chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng, nó vừa là phương tiện di chuyển để mưu sinh, vừa là tài sản đáng giá nhất trong nhà, vì vậy họ rất nâng niu và trân trọng chiếc xe máy.
“Còn nhớ khoảng năm 80 của thế kỷ trước, khi đó tôi là người duy nhất trong làng sở hữu một chiếc Mobylette. Mỗi khi tôi về tới đầu làng, đám trẻ con chạy ùa theo, chỉ để ngửi thứ khói thơm xanh lè của nó và được sờ tận tay chiếc xe", chú Tâm nhớ lại.
Và chính nhận thức xe máy là biểu tượng của sự giàu có nên đến bây giờ, người ta vẫn chưa bỏ được suy nghĩ đó. Thay vì ngưỡng mộ những chiếc như Mobylette, Simson… thì bây giờ họ ngưỡng một những chiếc như SH, Vespa, đắt tiền hơn.
"Trong thời gian tới, khi thị trường xe hơi Việt Nam rộng mở hơn, người người có thể sở hữu xe hơi thì lúc đó những chiếc xe máy xịn sẽ không còn vị trí như bây giờ” - anh Hiếu, thành viên hội môtô phân khối lớn tại TP. HCM dự đoán.