Vì sao Ronaldo vẫn tầm thường khi ghi hơn 500 bàn thắng?

Ngày đăng 15/02/2016 10:35

Dù còn nhỏ hay đã trưởng thành, chúng ta đều muốn có được những lời khen ngợi, thế nhưng tại sao chính bạn lại tiết kiệm lời khen tặng dành cho người khác?

Có lẽ câu nói “thương cho roi cho ngọt, ghét cho ngọt cho bùi” đã đi sâu vào tâm thức mỗi người dân Việt Nam, vì thế rất hiếm khi chúng ta nhận được một lời khen tặng từ người khác.

Trong tâm trí người hâm mộ Việt Nam, không ai được gọi là giỏi ngoại trừ những người họ "thần tượng". Chẳng hạn như khi tuyển Việt Nam thi đấu với đội yếu hơn, nếu thua, họ sẽ nhận sự chỉ trích thậm tệ, bởi lý do đơn giản rằng "tại sao đá với đội yếu mà vẫn thua?".

Tuy nhiên, nếu trường hợp thắng xảy ra thì chắc chắn đội tuyển cũng sẽ nhận được lời mỉa mai: "Thắng đội yếu hơn có gì tự hào, giỏi thì thắng những đội mạnh hơn đi".

Và khi đấu với đội mạnh hơn thì người ta lại yêu cầu các cầu thủ phải thắng và ghi bàn thật đẹp, thậm chí nếu thắng, có nhiều ý kiến còn cho rằng chiến thắng ấy là may mắn, "hãy thắng được vài lần rồi hẵng nói".

Tôi cho rằng rất nhiều người không phân biệt được “tài giỏi” nghĩa là gì. Giỏi có nghĩa là bạn làm được những điều mà ít người làm được, chứ không phải giỏi là hoàn hảo tuyệt đối. Thế nhưng, người hâm mộ lại tự đưa ra “tiêu chí” phải đạt được thì mới được gọi là giỏi.

Khi kình ngư Ánh Viên phá nhiều kỷ lục mà người Việt, thậm chí nhiều vận động viên giỏi ở Đông Nam Á không làm được thì họ vẫn đưa ra đủ lý do để kéo Ánh Viên xuống.

Trong sự nghiệp quần đùi áo số, Cristiano Ronaldo ghi được hơn 500 bàn, con số mà tất cả ai cũng ước muốn đạt tới, thế nhưng, với người hâm mộ thì con số ấy vẫn chưa được xem là giỏi, thậm chí là tầm thường.

Lý do là vì cầu thủ người Bồ Đào Nha ghi bàn chưa đúng ý của họ, tức là phải chọc thủng lưới đội bóng nào, phải đi bóng qua vài cầu thủ rồi mới dứt điểm và nhất định bàn thắng ấy không được xuất phát từ chấm phạt đền.

Thậm chí, Messi dù ghi bàn gần như là đáp ứng đủ các yêu cầu trên thì người ta vẫn cho rằng số 10 của Bacra đang ăn bám CLB, bởi vì tiêu chí họ đưa ra là phải ghi bàn ở nhiều giải khác nhau.

Dù có cố gắng thế nào, Ronaldo vẫn bị xem là kẻ ăn may, phụ thuộc vào pen.

Hoặc như HLV Pep Guardiola được nhiều CLB chào đón vì sự thành công của ông, tuy nhiên, thật nực cười khi người ta vẫn đánh giá ông là "kẻ bất tài", ăn may, thậm chí họ còn tự tin khi nói rằng mình cũng có thể làm được như Pep nếu được đặt vào vị trí đó.

Trong giới bóng đá, các cầu thủ và HLV giỏi đều tìm đến những CLB trả tiền cao hơn, hoặc môi trường tốt hơn nếu mức lương không chênh lệch lắm. Rất nhiều cầu thủ phát biểu rằng họ muốn thay đổi môi trường, và tìm đến những thử thách mới, nhưng tất cả chỉ là ngụy biện.

Họ ra đi vì 2 lý do chính: Tiền hoặc phong độ đi xuống. Chúng ta thừa hiểu rằng, các cầu thủ khi qua Mỹ thi đấu đều không còn thời đỉnh cao, nhưng hỏi ra thì ai cũng bảo muốn tìm thử thách. Tại sao họ không qua những nước Đông Nam Á để tìm thử thách? Câu trả lời là tiền và môi trường tốt hơn.

Vậy, người hâm mộ dựa vào đâu để đánh giá thế nào là người giỏi? Họ có phải là cổ đông của CLB đó hay là một cổ động viên cuồng nhiệt nên có quyền nhận xét?

Tất nhiên, họ không nằm trong số đó vì nếu là cổ đông hùn vốn hoặc fan cuồng nhiệt cho CLB thì họ sẽ rất vui khi mà một HLV mang về nhiều danh hiệu như thế cho đội bóng đó.

Tôi chợt nhớ tới truyện ngụ ngôn “Bánh tao đâu”, và nhận ra câu trả lời là trong cuộc sống chúng ta sẽ không bao giờ làm được điều gì để được những người hâm mộ “khó tính” công nhận là tài giỏi, ngoại trừ phải trả lại “chiếc bánh” cho họ.

>> Xem thêm: 'Messi chỉ giỏi loanh quanh ở Barca'

Bang Nguyen

'Nhiều người thật nực cười khi chỉ trích cách ăn mừng bàn thắng của Ronaldo' 'Nhiều người thật nực cười khi chỉ trích cách ăn mừng bàn thắng của Ronaldo'

Với Ronaldo, bóng đá là cuộc sống, bàn thắng là hơi thở, dù đó là pha làm bàn trên chấm phạt đền hay khi trận đấu an bài thì việc anh ấy ăn mừng chẳng có gì sai cả...

Chia sẻ bài viết của bạn về thể thao, bóng đá tại đây.